Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

“Nữ tổng thống” Mỹ đầu tiên là ai?

Năm 1920, một “bóng hồng” trong chiếc váy dài sẫm màu với gương mặt phúc hậu và kiên định hoạt bát đi lại như con thoi trong Nhà Trắng.



Trên tay người phụ nữ 48 tuổi lúc bấy giờ là chồng thư và những bản ghi nhớ liên quan tới chuyện đại sự quốc gia. Trong khi đó, báo giới túm tụm ngoài cửa, đồ nghề tác nghiệp thường trực trên tay chờ cơ hội chớp được hình ảnh của quý bà đang điều hành xứ cờ hoa. Đó là bà Edith Wilson, vợ hai của tổng thống thứ 28 của nước Mỹ Woodrow Wilson.

Nhiều người cho rằng nước Mỹ đã có nữ tổng thống đầu tiên (dù chỉ là “quyền”) từ trước khi bà Hillary Clinton chào đời tới 3 thập kỷ.
Tất nhiên, nếu trúng cử, nữ ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ đang chạy đua vào Nhà Trắng vẫn có quyền tuyên bố: “Tôi là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ” như cương lĩnh tranh cử bà đưa ra hồi tháng 6/2015. Tuy nhiên, sự “đầu tiên” đó không mấy trọn vẹn.

Bà Edith ghi dấu ấn với 17 tháng điều hành phòng Bầu Dục. Không trải qua bầu cử, cũng chưa bao giờ tự nhận là tổng thống nhưng vị đệ nhất phu nhân này đã đảm nhiệm nhiều trách nhiệm quan trọng sau khi chồng đột quỵ. Nhiều nguồn tin cũng ghi nhận vai trò của bà Edith vượt xa vị trí hậu phương và trở thành “người gác cổng” cho tầm nhìn của chồng.

Thực tế lúc bấy giờ, Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể cho trường hợp tổng thống không còn năng lực thực hiện nhiệm vụ. Cơ chế tự động chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống cũng chưa có. Vấn đề phức tạp hơn khi nhân vật số 2 nước Mỹ lúc đó là Thomas R. Marshall lại nổi tiếng an phận thủ thường.
Thậm chí, khi Tổng thống Woodrow rơi vào tình trạng nằm liệt giường và mất trí nhớ, ông Marshall quyết liệt từ chối ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ vì sợ... bị ám sát!


Đối mặt với nguy cơ di sản của chồng bị đổ vỡ, đệ nhất phu nhân Edith đã ra tay. Giới quan sát cho rằng hành động của bà là do nặng lòng với chồng hơn là tham vọng chính trị. Là người phụ nữ đến sau trong cuộc đời ông Woodrow nhưng có thể nói bà Edith là một nửa hoàn hảo của vị tổng thống này.

Những quyết sách mà bà thay mặt chồng đưa ra - như thúc đẩy Hòa ước Versailles nhằm kết thúc Thế chiến thứ nhất hay vận động hành lang để Tập đoàn Thép Carnegie thương lượng kết thúc cuộc biểu tình đình đám của công nhân - được đánh giá cao.
Cây bút Dolly Gann của một tờ báo uy tín thuộc Đảng Cộng hòa tán dương bà Edith đã hành động vì lợi ích nước nhà trong khi báo Daily Mail (Anh) tung hô người phụ nữ này có “năng lực tổng thống hoàn hảo”. Có lẽ vì vậy mà “nữ tổng thống” Edith Wilson nắm quyền cho tới tận ngày kết thúc nhiệm kỳ của chồng vào năm 1921.

Theo Đỗ Quyên
Người Lao Động



0 nhận xét:

Đăng nhận xét