"Thuật
toán hạnh phúc", một công thức đơn giản cho mọi người được nội bộ Google
áp dụng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân viên của mình.
Trong hơn 53.000 nhân viên của người khổng lồ công
nghệ Google có một kỹ sư mang vai trò đặc biệt: giúp mọi người trở nên hạnh
phúc và vui vẻ hơn.
Vài năm về trước, Chade-Meng Tan, một trong những kỹ
sư đầu tiên đầu quân cho Google nhận thấy nhiều đồng nghiệp của anh tỏ ra bị
căng thẳng và không vui tại chỗ làm nên anh quyết định làm điều gì đó. Anh thuyết
phục ban lãnh đạo Google cho phép mình tạo ra một "khóa học" để dạy
cho các kỹ sư những kỹ năng cần thiết tăng cường chỉ số EQ để bản thân họ và những
người tương tác với họ hạnh phúc và vui tươi hơn. Và thế là Chade-Meng Tan chuyển
đến phòng nhân sự để điều hành dự án "Search Inside Yourself" (Tìm kiếm
bên trong bạn), cũng là tên cuốn sách anh viết về nội dung tương tự.
Sau đây là tóm lược những bước cần làm để bạn trở
nên hạnh phúc hơn trong môi trường làm việc của mình dù ở Google hay bất cứ
doanh nghiệp nào được đích thân Chade-Meng Tan trình bày tại ngày hội SXSW 2014
ở Austin, Texas (Mỹ) trong phiên trình bày chủ đề "Make Yourself The
Happiest Person on Earth" (Biến bản thân bạn thành người hạnh phúc nhất thế
giới).
Bước
1: Tĩnh tâm
Để tĩnh tâm, anh Meng khuyên bạn cần chú ý đến nhịp
thở của mình, một phần dẫn đến Thiền nhận thức (mindfulness). Hoặc nếu điều này
quá khó làm, hãy "đừng nghĩ về bất cứ điều gì trong chốc lát," anh
nói.
Cuốn sách của anh trích dẫn một công trình nghiên cứu
bởi Jon Kabat-Zinn tại Trường y của Đại học Massachusetts, Mỹ cho thấy việc kiểm
soát hơi thở, hay "Thiền", có thể giúp giảm bớt cảm giác bồn chồn, lo
lắng.
Theo CNN, một công trình nghiên cứu gần đây cho thấy
việc thực hành thiền còn giúp giảm căng thẳng, trầm cảm, và thậm chí là làm chậm
quá trình lão hóa.
Bước
2: Ghi nhớ lại những khoảnh khắc vui tươi
Theo Meng, điều này chỉ đơn giản là mỗi khi bạn đang
cảm thấy vui vẻ như mua được cái áo ưa thích, nhâm nhi cà phê cùng bạn bè… Hãy
tự nhủ rằng: "Tôi đang tận hưởng khoảnh khắc vui tươi!"
Trong một ngày dài, chúng ta thường có xu hướng bám
lấy những điều tiêu cực trong khi những sự vui vẻ khác lại chỉ thoáng qua trong
đầu. Nên bằng việc cố ý ghi nhận những điều tốt đẹp (dù nhỏ đến mấy), chúng ta
đã tự gia tăng cơ hội nhớ về ngày hôm đó như một ngày vui vẻ.
Theo CNN, một công trình nghiên cứu tâm lý học tương
tự vào năm 2006 cho thấy những ai có thói quen ghi chép lại những trải nghiệm
và cảm xúc vui vẻ của mình vào nhật ký cho tỉ lệ hài lòng với cuộc sống cao
hơn, và hiệu ứng của việc này kéo dài đến hai tuần sau đó.
Bước
3: Chúc cho người khác cũng được hạnh phúc
Theo Meng, não trạng thiện tâm là rất có lợi vì
chúng ta thu được nhiều niềm vui hơn khi "cho đi" so với khi "nhận".
Trong cuốn sách Happiness: A Very Short Introduction, triết gia Daniel Haybron ủng
hộ lý thuyết của Meng khi viện dẫn ý kiến của nhà tâm lý học Michael Argyle cho
rằng "chỉ nhảy múa mới tạo ra mức độ vui sướng nhiều hơn công việc thiện
nguyện."
Theo David G. Allan – trưởng ban biên tập chuyên mục
Health and Wellness (Sống khỏe) của CNN – bản thân ông nghi ngờ những nhận định
và lý thuyết của Meng thật sự được dựa trên những công trình nghiên cứu sẵn có.
Song chính ông cũng thừa nhận, sau khi áp dụng thử phương pháp "ba bước"
nêu trên, ông đã cảm thấy có tác dụng.
Tại nơi làm việc, David bắt đầu thiền. Ông còn lập
trình điện thoại nhắc nhở mỗi giờ để chúc người khác vui vẻ cũng như không quên
tự nhủ về khoảnh khắc vui tươi đang có mỗi khi chơi đùa cùng con gái, chạy bộ
trong công viên, uống một ly bia ngon và viết bài cho CNN.
Ông David rút ra kết luận, với nhiều người, những điều
Meng nói nghe có vẻ quá sơ sài hoặc hiển nhiên. Tuy nhiên, ông so sánh bằng một
ví dụ là động tác hít đất trong phòng tập thể hình: "bạn biết hít đất là tốt,
song bạn phải tập mỗi ngày mới mong có kết quả".
Theo
TUỔI TRẺ ONLINE
Các
dịch vụ của chúng tôi : thuê
phòng hội thảo, cho
thuê hội trường 500 chỗ, cho
thuê hội trường tổ chức sự kiện tại hà nội, thuê
phòng họp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét