Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Nhìn tay đoán bệnh bằng 6 dấu hiệu khoa học bạn nên biết

Người có vân tay hình xoắn ốc dễ bị huyết áp cao hơn những người có vân tay hình tròn hoặc vòng cung.



Bệnh tật biểu hiện ra bên ngoài cơ thể chúng ta rất nhiều dấu hiệu phức tạp, một số gọi là triệu chứng , được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, các dấu hiệu của bệnh tật không chỉ có triệu chứng sau khi bệnh đã xảy ra.

Bằng cách tổng hợp và sàng lọc quan sát thống kê, các nhà khoa học có thể chỉ cho chúng ta thấy những dấu hiệu bệnh tật ngay cả trong tương lai. Dưới đây là 6 cách để bạn dự điều đó, mà chỉ cần nhìn vào bàn tay của một người:

1. Chiều dài ngón tay: Nguy cơ viêm khớp và ung thư


Nhìn vào ngón đeo nhẫn của một người phụ nữ, bạn có thể đoán được nguy mắc viêm xương khớp đầu gối của cô ta. Thật kì diệu phải không? Theo một nghiên cứu trên tạp chí Arthristis & Rheumatism, nếu ngón đeo nhẫn của phụ nữ dài hơn ngón trỏ, một đặc điểm mà thường thấy ở nam giới hơn, họ có gấp đôi nguy cơ mắc viêm khớp gối.

Ở một khía cạnh tích cực hơn, những người phụ nữ này sẽ thể hiện khả năng thể thao tốt. Nhưng tương tự nam giới, họ là những người mạnh mẽ mà rất thích gây sự.

Thế còn ngón đeo nhẫn của một người đàn ông thì sao? Đa số nam giới có ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ, đó là điều bình thường. Nhưng nếu sự chênh lệch đáng kể, rất tiếc, họ có nguy cơ cao hơn mắc ung thư tuyến tiền liệt. Bù lại, những chàng trai này thường hấp dẫn phụ nữ hơn và thể hiện khả năng sinh sản tốt.

2. Dấu vân tay: Huyết áp cao


Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra những ai có vân tay hình xoắn ốc dễ bị huyết áp cao hơn người có vân tay hình tròn hoặc vòng cung. Càng nhiều ngón tay có vân xoắn ốc, nguy cơ huyết áp cao càng tăng. Lí do bởi vân tay được hình thành trong một giai đoạn của thai kỳ. Những phát triển trong giai đoạn này cũng ảnh hưởng đến huyết áp khi chúng ta lớn lên. Vì vậy, nhìn vào vân tay, chúng ta có thể dự đoán được phần nào câu chuyện.

3. Màu sắc móng tay: Bệnh thận


Khi các nhà khoa học Ấn Độ nghiên cứu 100 bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, họ nhận ra có tới 36 người có móng tay hai màu: nửa dưới màu trắng còn nửa trên màu nâu.

Giải thích cho điều này, các nhà khoa học cho rằng một hooc-môn có nồng độ tăng bất thường và thiếu máu mãn tính đã khiến móng tay thay đổi màu sắc. Cả hai tình trạng này thì đều có ở bệnh nhân thận mãn tính.

Vì vậy, nếu nhận thấy móng tay mình bị chia thành hai nửa trắng và nâu, bạn nên đề phòng bệnh thận. Bên cạnh đó, một sọc dọc sẫm màu dưới móng tay cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Chúng có thể là một khối u ác tính của ung thư da.

4. Tay run: Bệnh Parkinson


Run tay có thể chỉ là tình trạng tạm thời xảy ra khi bạn uống quá nhiều cà phê hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc như hen suyễn và thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, nếu những nguyên nhân này bị loại trừ và tình trạng run tay tái phát, có thể đó là lúc bạn nên đến gặp bác sĩ để nói chuyện về bệnh Parkinson..

Một dịp tốt để quan sát chứng run tay của bạn hoặc những người khác là trong bữa ăn. Hãy để ý đến đầu đũa hoặc cách họ cầm thìa, dĩa. Làm rớt thức ăn tưởng chừng là điều bình thường. Nhưng nếu chúng lặp lại thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu của Parkinson.

5. Lòng bàn tay ướt: Hyperhidrosis


Hyperhidrosis là tình tình trạng y tế của một người bị tăng tiết mồ hôi. Khi đó, mồ hôi đổ nhiều hơn mức bình thường, cả ở trong thời tiết lạnh và ít vận động. Mồ hôi có thể đổ từ nách, hai lòng bàn tay và bàn chân. Nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể hỏi bác sĩ về một đơn thuốc chống mồ hôi.

Bên cạnh đó, tay ướt mồ hôi cũng có thể là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh hoặc bệnh lý tuyến giáp.

6. Sức nắm yếu: Bệnh tim


Một nghiên cứu trên 140.000 ngàn người ở 17 quốc gia đăng tải trên tạp chí Lancet chỉ ra: nắm tay yếu là dấu hiệu của một nguy cơ cao hơn mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm. Theo đó, sức nắm tay còn có thể dự doán tình trạng bệnh tốt hơn cả chỉ số huyết áp.

Các nhà khoa học cho rằng sức nắm tay có thể đại diện cho sức mạnh của cơ bắp tổng thể. Vì vậy, logic ở đây là bạn phải thường xuyên tập thể dục toàn thân để giảm nguy cơ bệnh tim, chứ không phải chỉ ngồi một chỗ và luyện cơ tay.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét