Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Vì sao những người này không ngại làm quản gia, thợ mộc hay phu kéo xe?


Chúng ta chỉ sống một lần! Một cuộc đời để sống, một công việc mà mình mơ ước, làm những việc mà mình có thể, một sự nghiệp duy nhất của bản thân…

Lâu nay những công việc “cổ cồn trắng” (từ chỉ những người làm công việc chuyên môn, quản lý hoặc hành chính trong môi trường văn phòng, ngân hàng) luôn được coi trọng bởi nó có tính chất ổn định, cường độ làm việc không quá căng thẳng trong khi lương bổng lại cao.

Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, khối nhân lực lương cao và giới hành chính, văn phòng là những đối tượng đầu tiên rơi vào danh sách cắt giảm biên chế. Điều này khiến tính ổn định của “cổ cồn trắng” bị sụt giảm hơn bao giờ hết.

Trước những biến đổi của xã hội như vậy, giới trẻ ngày nay cũng dần thay đổi quan điểm trong cách nhìn nhận về khối ngành kỹ thuật “cổ cồn xanh” (chỉ những người làm công việc lao động chân tay, thường được biết đến như những công nhân mặc đồng phục xanh làm việc tại nhà máy, công trường…) với những yêu cầu nhất định về lao động thể chất. Thực tế cho thấy ranh giới giữa “cổ cồn trắng” và “cổ cồn xanh” đang dần bị xoá mờ, tạo điều kiện thuận cho một nhân tố mới là “cổ cồn nâu” có cơ hội vươn lên trong xã hội.


Dưới đây là một số câu chuyện trích dẫn từ cuốn sách “Tương lai nghề nghiệp của tôi” của tác giả Kim Rando về các tấm gương trẻ tuổi tài cao đã tự khoác lên mình những màu áo hoàn toàn khác biệt và góp phần nâng cao giá trị cho những công việc từng bị xã hội coi thường.

Anh: Quản gia – Nghề “chùng gối xuống đôi chút, cả thế giới trong tầm tay”

Anh Quốc xưa nay nổi tiếng là “đất nước của những quý ông”. Tuy nhiên, suy nghĩ này có lẽ sẽ phải thay đổi bởi tại đây đang có một nhóm nghề vươn lên trở thành tâm điểm chú ý và giành được mối quan tâm đặc biệt chưa từng có.

Đó chính là nghề QUẢN GIA. Có thể hiểu đơn giản, quản gia là một người luôn ăn vận giản dị, gọn gàng và trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ những công việc hàng ngày cho chủ nhà. Dù có tên gọi rất hoa mỹ nhưng quản gia thực chất chính là “người hầu” hay còn được gọi là “người giúp việc”.

Tuy nhiên thật đáng ngạc nhiên, gần đây để trở thành kiểu “người hầu” như vậy tại Anh, những người có học vấn cao phải cất công tìm đến tận các ngôi trường cao đẳng nghề để chuyên tâm tu luyện. Mới nghe qua đây có thể là một hiện tượng xã hội khó lý giải nhưng nếu bổ sung thêm rằng mức lương tối đa dành cho một “người hầu” như vậy có thể lên tới 240.000 USD mỗi năm thì câu chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác.

Nick Bonell được biết đến là một quản gia chuyên nghiệp. Anh đã từng đảm nhiệm vai trò quản gia riêng cho các nhân vật tên tuổi tại Anh như Thủ tướng Anh, các gia đình quý tộc và CEO của những doanh nghiệp lớn. Không những vậy, Nick còn giữ vị trí quan trọng trong một số khách sạn và nhà hàng cao cấp tại Anh.

Hiện tại, Nick đang đảm nhiệm vị trí giảng viên tại Học viện Quản gia Anh – ngôi trường đào tạo quản gia danh tiếng trên toàn thế giới. Tại đây, anh thực hiện những bài giảng rất đặc biệt như cách bài trí một bàn rượu theo phong cách châu Âu hay tư thế khi tiến đến gần bàn của khách để phục vụ…

Theo chia sẻ của Nick thì trong một vài năm trở lại đây, số lượng các triệu phú và tỷ phú tăng nhanh đột biến. Những người như vậy chắc chắn sẽ không tự tay làm việc nhà, họ cần tìm những người có khả năng quản lý những việc to nhỏ, lớn bé trong gia đình thay mình. Như vây, trong xu hướng chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, chắc chắn nhu cầu về quản gia sẽ tăng mạnh.

Thực tế riêng trong năm 2013, ngành công nghiệp quản gia của Anh đã ghi nhận mức tăng trưởng 200% so với năm 2012. Đáng mừng hơn nữa, xã hội cũng bắt đầu thay đổi quan điểm về nghề quản gia. Nếu như trước đây quản gia được biết đến là người “chuyên dọn dẹp và làm việc vặt” thì nay người quản gia được gắn với hình ảnh “những chuyên gia chăm sóc thân cận nhất của những nhân vật xuất chúng, có thế lực trên thế giới”.

Hà Lan: Trường đào tạo…thợ mộc

Một trong những học viên nổi bật nhất tại Trường Cao đẳng Gỗ và Nội thất Hout-en Meubilerings là chàng trai 25 tuổi Julian. Ít ai biết, trước khi nhập học tại Hout-en Meubilerings, Julian đã có 3 năm là sinh viên Đại học Y trực thuộc đại học Amsterdam.

Rõ ràng, đứng trên quan điểm nghề nghiệp ở bất cứ quốc gia nào, bác sĩ luôn là nghề được ưa chuộc và Hà Lan không phải ngoại lệ. Như vậy, chỉ riêng thành công trong việc đứng vào hàng ngũ sinh viên y khoa và sẽ sớm trở thành bác sĩ trong tương lai cũng đã đủ đảm bảo cho Julian một địa vị xã hội đáng ngưỡng mộ. Vậy điều gì khiến anh từ bỏ một nghề nghiệp đảm bảo chắc chắn như vậy để theo đuổi nghề mộc?

Theo lý giải của Julian thì: “Dĩ nhiên trở thành bác sĩ, bạn không những kiếm được nhiều tiền mà còn nhận được sự tôn trọng của xã hội, nhưng đó lại không phải là cuộc sống mà tôi mong muốn. Tôi không quan tâm mình có kiếm được tiền hay không, quan trọng là tôi có thể làm công việc mang tính sáng tạo khó ai làm được. Việc nhận được sự tôn trọng của xã hội cũng rất quan trọng, nhưng đối với tôi có thể sống và tự do tận hưởng những chuyên đi của riêng mình còn alf điều đáng trân trọng hơn. Đó chính là lý do tôi chọn cho mình con đường trở thành thợ mốc thay vì bác sĩ”.

Và với quyết tâm như vậy, chàng trai Julian đã dám rũ bỏ chiếc áo blouse trắng để đến với những thân gỗ thô mộc đang chờ được tạo hình, đang bước những bước đầu tiên trên con đường nhuộm một màu sắc tương mới cho tương lai của bản thân.

Hàn Quốc: Người phu kéo xe vượt qua dốc khổ nạn để đến với hạnh phúc

Nếu như tại Ấn Độ, nghề kéo xe được coi là “cần câu cơm” trong cảnh khốn cùng chỉ được lựa chọn bởi những người nghèo khó thuộc tầng lớp thấp nhất hay còn gọi là tiện dân, hạ đẳng trong xã hội. Thì với chàng trai 29 tuổi In Jae người Hàn Quốc, phu kéo xe lại là sự nghiệp của anh.

Với nhiều người, việc chọn lựa công việc “lao động chân tay” là nghề nghiệp chính của In Jae – một cử nhân tốt nghiệp Đại học Weslayan, Mỹ và từng làm việc tại công ty chứng khoán Macquarie, Hàn Quốc là một điều hết sức khó hiểu. Tuy nhiên, với bản thân In Jae thì công việc không chỉ đơn thuần là công cụ để kiếm tiền. Thậm chí anh cho rằng mình đã may mắn tìm ra giá trị trong một công việc mà mọi người đều lẩn tránh và quan trọng hơn, anh cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc đó.

Hiện tại, In Jae là nhà sáng lập, đồng thời là một trong những nhân viên kéo xe thuộc công ty dịch vụ xe đạp kéo du lịch Ride Artee tại Hàn Quốc. Cứ như vậy hàng ngày, anh cùng những phu xe khác trong công ty lần lượt vượt qua hết những ngọn đồi này tới ngọn đồi khác giữa thủ đô Seoul hối hả, chở khách du lịch.

In Jae xứng đáng được coi là một thanh niên dũng cảm đã biến phu kéo xe – biểu tượng của sự lao động vất vả gắn với nhiều đau khổ trở thành một nghề đáng mơ ước. Suy nghĩ và hành động táo bạo của chàng trai trẻ ấy đã đưa hình ảnh của những phu kéo xe trở thành một điều gì đó thật gần gũi và thân thương, không những vậy hành động đó còn có thể thắp sáng cho tương lai của chính bản thân anh.

Đúng như những gì In Jae nói: “Chúng ta chỉ sống một lần! Một cuộc đời để sống, một công việc mà mình mơ ước, làm những việc mà mình có thể, một sự nghiệp duy nhất của bản thân… Tôi sẽ sống thật hạnh phúc. Tôi sẽ ghi nhớ và trân trọng mọi mối nhân duyên trong cuộc đời chỉ xuất hiện một lần duy nhất với mình”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét